Chuẩn bị cho con một nền tảng tài chính tốt cho tương lai sau này luôn là câu hỏi lớn của mỗi người làm bố mẹ. Làm thế nào để tiết kiệm tiền (Geld ansparen) cũng như là đầu tư sinh lời (Geld anlegen) cho con, đó chính là nội dung thảo luận trong bài viết này...
Vậy thì chúng ta hãy bắt đầu bằng cách lật ngược vấn đề...
Cái gì mình không nên làm khi muốn tiết kiệm tiền và đầu tư tiền cho con?
1. Sản phẩm truyền thống Sparbuch: quyển sổ tiết kiệm Sparbuch quyền năng này đã thống trị nhiều thế hệ người Đức khi nghĩ tới chuyện tiết kiệm cho con. Nếu bạn nhất thiết muốn để tiền vào Sparbuch, mình sẽ tặng các bạn 1 con heo đất, như đúng truyền thống của người Việt.
Để tiền vào Sparbuch với lãi suất cực kì thấp, gần bằng 0 và thêm vào đó các loại phí quản lí tài khoản (Verwaltungsgebühr)...cuối cùng chắc chắn khi lấy ra số tiền còn ít hơn để vào heo đất. Đó là chưa kể để tình trạng lạm phát tất yếu.
2. Các loại Sparplan với tên gọi mỹ miều Hãy thật cẩn thận khi kí kết các sản phẩm với tên gọi mỹ miều kiểu như: Neues Leben (của Sparkasse), hay Ausbildungskonto....Những sản phẩm này về cơ bản chính là một loại bảo hiểm hưu trí (cho trẻ) và nó cũng có ưu thế nổi bật là rủi ro thấp và bạn không phải suy nghĩ hay để tâm gì đến nó, hàng tháng cho một khoản tiết kiệm vào là yên tâm.
Nhược điểm của nó cũng nổi bật không kém chính là các loại phí quản li khá cao. Bạn phải có một kế hoạch dài hạn 20 năm, 30 năm để phần lãi suất sinh ra từ đó bù đắp được các loại chi phí, và khi đó mới chính thức là phần lời của bạn và con bạn.
Đầu tư - tiết kiệm bằng cách nào đây?
Khi người lớn muốn đầu tư - tiết kiệm tiền họ nghĩ đến hình thức nào? Tại sao những hình thức này lại đúng với người lớn mà với con trẻ thì không?
Quỹ hoán đổi danh mục hay còn gọi là quỹ ETF là một quỹ đầu tư được thiết kế để mô phỏng một bộ chỉ số. Hầu hết các quỹ ETF áp dụng chiến lược đầu tư thụ động và mô phỏng các chỉ số giá trị vốn hóa thị trường. Quỹ ETF được giao dịch trên sàn chứng khoán như một cổ phiếu với giá thay đổi liên tục mỗi ngày
(nguồn VinaCapital)
Đoạn này không dám ba hoa chí toét nhiều vì vốn tiếng Việt của mình bây giờ không dịch nổi mấy khái niệm này nữa.
Với ETF nhà đầu tư có thể tiếp cận 1 bộ chỉ số đang hấp dẫn trên thị trường mà không cần mua toàn bộ cổ phiếu thành phần trong đó. Danh mục ngành nghề trong 1 bộ cổ phiếu đó cũng rất đa dạng, giúp nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm thời gian (vì không phải theo dõi từng cổ phiếu) và chi phí thấp.
Tới đây chúng ta có thể tạm hiểu cách người lớn đầu tư vào ETF vì những ưu điểm của nó. và dùng chính cách đó tiết kiệm và đầu tư cho trẻ.
ETF - Sparplan cho con - Kế hoạch đầu tư - tiết kiệm cho con với quỹ ETF hiệu quả nhất khi:
- bắt đầu trước 3 tuổi - tiết kiệm sớm
- chỉ với 25€/tháng - tiết kiệm nhỏ
- tiết kiệm thời gian dài - tiết kiệm dài
Tiết kiệm sớm để chúng ta có thể bắt đầu với con số nhỏ, không gây áp lực lên tài chính hàng tháng của gia đình. Vì con số nhỏ nên chúng ta cần để tiết kiệm dài. Tiết kiệm dài giúp san bằng những lên xuống hình sin của thị trường cổ phiếu, và thị trường tài chính. Lịch sử cho thấy những khoản tiết kiệm từ ETF để trên 15 năm đều trải qua được những cuộc khủng hoảng và biến động tài chính và chưa bao giờ lỗ, và trung bình đạt lãi suất 7%/năm.
Ngoài ra khi tiết kiệm dài hạn như thế, bạn đã dạy con một thái độ đối với tiền, rằng tiết kiệm cũng quan trọng như kiếm tiền. Hơn nữa là một khái niệm hoạt động của tiền tệ từ sớm thông qua việc theo dõi sự lên xuống của cổ phiếu/ của quỹ, hiểu giá trị của việc chờ đợi dài hạn. Và cuối cùng là việc nhìn thấy thành quả của mình sau nhiều năm tiết kiệm giúp con có thể đưa ra quyết định ở tuổi 18 rằng liệu có nên lấy tiền này ra ăn chơi, hay dùng vào những việc có giá trị, hay tiếp tục đầu tư tiếp. Sự tự do quyết định, quyền tự do quyết định Mình tin rằng trải qua thời gian dài con được cùng tham gia vào quá trình tiết kiệm - đầu tư sẽ cho con một nhận thức và quyết định đúng.
Với 25€/tháng đầu tư vào quỹ ETF sẽ ra bao nhiêu tiền?
Với mức tăng trung bình 7%/ năm sau 15 năm con bạn có một quỹ tiết kiệm trị giá 7800€ (xem hình minh hoạ 25€ mtl. von Alter 3 bis 18) chưa kể lạm phát nữa. Nhiều người sẽ cảm thấy con số này quá ít ỏi sau bao nhiêu năm chờ đợi. Hãy nhớ bạn đang đầu tư 25€/ tháng, và nếu bạn đầu tư toàn bộ tiền Kindergeld 250€/tháng (ước chừng, tuỳ theo bang số tiền sẽ khác nhau một chút) thì bạn cũng có thể nhận quả ngọt với số tiền tiết kiệm nôm na là gấp 10 lần như thế.
Một bảng tính toán nhỏ với ước lượng lãi suất tăng 9% và 5%. Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy từ quỹ ETF khả năng 9% (được khoảng 9200€) cũng không phải nhỏ.
Và nếu con bạn ở tuổi 18 vốn đã có 15 năm 'kinh nghiệm' làm việc với ETF nhận thức được việc đây là một hình thức tiết kiệm dài hạn, quả ngọt chỉ dành cho ai biết chờ đợi, và quyết định tiếp tục tiết kiệm - đầu tư và coi đây là quỹ lương hưu của mình thì cùng xem bảng tính toán dưới đây ở tuổi hưu 62, 64 anh ấy/chị ấy có được bao nhiêu tiền. (xem hình minh hoạ 25€ mtl. von Alter 3 bis 67)
333.000€ chỉ với 25€/tháng từ 3 tuổi đến 67 tuổi và số tiền Netto sau khi trừ thuế khoảng 250.000€.
Một con số không hề tệ phải không?
Mở tài khoản Depot-Konto ETF cho con thế nào?
Bố mẹ phải là người giúp con mở tài khoản bằng tên của con. Dưới 18 tuổi, con chưa được phép mở tài khoản nếu không có người bảo trợ đi cùng. Vì là tài khoản bằng tên của con, nên lúc này bố mẹ chỉ là người quản lí tài khoản, và tiền trong đó thật sự thuộc về đứa con.
Mở tài khoản giao dịch bằng tên con có những điểm lợi sau:
- Có thể xin giảm thuế trên số tiền sinh lời ra từ tiền gốc (Freistellungsauftrag), và lên đến 801€/năm.
- Một lúc nào đó số tiền được giảm thuế này trở nên quá ít ỏi, bạn lại có thể đệ đơn xin miễn giảm thuê một lần nữa (tên gọi Nichveranlagungsbescheinigung) khi con bạn vẫn chưa có thu nhập. Số tiền được miễn giảm thuế lên đến 9657€/năm (số liệu năm 2019)
Nên chọn ngân hàng để mở Depot-Konto (tài khoản giao dịch chứng khoán) theo tiêu chí:
- không tốn phí mở tài khoản
- không tốn phí cho kế hoạch tiết kiệm dài hạn ETF-Sparpläne
- chỉ trả tiền phí mua hoặc bán chính ETF
Lời kết: không có một hình thức nào là chuẩn mực cho việc tiết kiệm cho con, tất cả phụ thuộc vào tình hình tài chính của bố mẹ, quan điểm đầu tư, và thị trường. Tuy nhiên đầu tư - tiết kiệm lúc nào cũng nên theo công thức trứng chia vào nhiều giỏ, không nên dồn hết tiền của mình vào một nguồn đầu tư, mà chia nhỏ ra theo nhiều hạng mục, cách thức khác nhau. Đối với bé Tagesgeld, Festgeld và ETF có thể là 3 loại giỏ có thể dùng được.
Commenti